Với thánh đường Hồi giáo Islam, nghề dệt, thêu rua, đan móc… giống như những xóm đồng bào Chăm ở Châu Phong, Vĩnh Trường, Nhơn Hội… Thế nhưng, Đa Phước (An Phú) lại là điểm thu hút du khách, nhất là các tour dành cho khách nước ngoài dừng chân và sau đó đi nước thứ 3 bằng đường sông qua Cửa khẩu Quốc tế sông Tiền.
Lợi thế vùng sông nước Đứng tại ngã ba sông Châu Đốc, đảo mắt một vòng, du khách sẽ thấy ngay sự trù phú, sung túc đầu nguồn ĐBSCL, với làng bè nuôi cá, bến phà Châu Giang, chợ nổi trên sông, những ngôi nhà sàn đồng bào Chăm 2 bên Châu Giang và Đa Phước. “Có lẽ sinh hoạt con người và vùng sông nước lạ mắt, du khách thích ghé tham quan ở đây, nhất là người nước ngoài” – ông Mahiri (ấp Hà Bao II, xã Đa Phước) nhận định.
Điều độc đáo, cồn Tiên (xã Đa Phước) là cửa ngõ dẫn về huyện An Phú và đi Cửa khẩu Quốc gia Khánh Bình – Chray Thum bằng tuyến đường bộ (Tỉnh lộ 956). Các nhà nghiên cứu, người cao tuổi cũng cho rằng, ngã ba sông Châu Đốc trở thành “hình ảnh tiêu biểu” vùng sông nước ở An Giang, mà làng bè là “biểu tượng” của nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Từ sinh hoạt nghề nghiệp, công việc làm ăn gắn với quá trình hình thành “vùng đất và con người Châu Đốc” tạo nên sức hấp dẫn.
Du khách nội địa, người nước ngoài đi tour hoặc đi lẻ bằng đường sông và đường bộ đều dừng chân ở Châu Đốc. Sau đó, tham quan sông nước, xóm đồng bào Chăm ở xã Đa Phước và xã Châu Phong, thưởng ngoạn đặc sản do bà con tự tay làm ra. Theo ông Zô Số, Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Đa Phước, đồng bào Chăm ở đây tập trung dọc Tỉnh lộ 956 (ấp Hà Bao II), có 2 thánh đường Al Ehsan và Sunnah, với nhiều ngành nghề thủ công (dệt thổ cẩm, thêu, rua, đan, móc…) và sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi gia súc, thủy sản…). Bên cạnh, còn có các hoạt động dịch vụ, giải khát, mua bán… với quy mô vừa và nhỏ, tạo việc làm và tăng thu nhập kinh tế gia đình. Nhờ đa dạng trong làm ăn và sinh hoạt, xóm đồng bào Chăm ở Hà Bao II luôn nhộn nhịp, thu hút sự chú ý của du khách gần xa và người nước ngoài. Giới thiệu sản phẩm địa phương Du khách đi theo tour và đi lẻ, hầu hết đều xuất phát từ chợ Châu Đốc và xuống tàu đi dạo cảnh sông nước, mới ghé lại Đa Phước. “Lên đây, họ tha hồ coi hoạt động nghề dệt, thưởng lãm sản phẩm thổ cẩm và mua sắm quà lưu niệm, rồi đi tham quan thánh đường Al Ehsan” – chị Rohymah (tổ 19 ấp Hà Bao II) kể. Mỗi đoàn chừng 15 – 20 người, thông thường từ Châu Đốc sang vào buổi sáng, ít dịp đi vào buổi trưa và buổi chiều.
Trong buổi sáng, có khi 2 – 3 đoàn, lắm lúc có ngày cũng không có đoàn nào, do lệ thuộc việc đưa và đón khách. Thánh đường Al Ehsan (ấp Hà Bao II, xã Đa Phước) luôn mở cửa khuôn viên, sẵn sàng đón khách. Với lối kiến trúc lộng lẫy, người xem cảm nhận ngay không khí thanh bình, sự đầm ấm của cộng đồng các dân tộc trên đất đầu nguồn ĐBSCL. Từ đây, du khách có thể biết thêm khái quát về “sự hình thành vùng đất, con người đồng bào Chăm sông nước An Giang xưa và nay”, hòa cùng nhịp sống các dân tộc anh em Kinh, Hoa và Khmer. Theo kinh nghiệm của chị Rohymah, sản phẩm phải “rặt” thì khách mới thích, đó là những khăn choàng dành cho nữ, vải dệt thủ công có nhiều hoa văn, chăng-sa-guong… xuất xứ từ địa phương.
Hàng hóa, chủ nhân vừa trao đổi, nhận ký gởi từ đồng bào Chăm khắp nơi, với tỉ lệ cỡ 30%, còn 70% sản phẩm là của đồng bào Chăm ở An Giang. Anh Isa (chủ điểm bán hàng ở Đa Phước) cho biết, người nước ngoài đi rất “tiết kiệm” thời gian, việc giới thiệu ẩm thực cũng khó, chỉ nhận đặt hàng từng bữa. “Ăn uống đơn giản và chủ yếu là cá, chế biến thông thường theo bữa ăn gia đình. Vậy mà, ai cũng rất thích, hình như khoái khẩu, nhất là buổi chiều từ Sài Gòn xuống đây. Thỉnh thoảng, mới nấu đặc sản cà ri gà và bò, phục vụ người Việt về thăm quê hương” – anh Isa cho biết. “2 năm trở lại, khách nội địa và người nước ngoài đến Đa Phước có giảm. Hồi trước, hàng ngày đón khá đông và hoạt động cả 3 buổi, lắm lúc phục vụ suốt. Lúc đó, thu nhập mỗi ngày lên tới 1 triệu – 2 triệu đồng, ít nhất cũng không dưới 500.000 đồng/ngày” – anh Isa (chủ điểm bán hàng ở Đa Phước) chia sẻ.
Anh Thư (Theo báo An Giang)